Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Phân loại nhân sâm

Nhân sâm là loại thuốc đại bổ, có khả năng trị nhiều căn bệnh nan y và là loại dược liệu được xếp hàng “đầu bảng”  trong Đông y. Tuy vậy, nhân sâm có rất nhiều chủng loại khác nhau theo phân loại từ nguồn gốc đến cách chế biến mà người sử dụng khó phân biệt được.


Dựa theo cách thức chế biến, nhân sâm được chia theo các loại sau:

1. Bạch sâm: Là loại sâm tươi sau khi thu hoạch được cắt bỏ rễ phụ, bào đi lớp vỏ mỏng, sau đó phơi nắng cho khô. Sau khi sơ chế có màu trắng ngà, xốp, có mùi thơm, vị ngọt.

2. Hồng sâm: Còn gọi là thạch trụ sâm, là loại nhân sâm được chưng chín từ 1-2 giờ rồi sấy khô trong 8-10 giờ. Sau khi sơ chế, tinh bột trong rễ sẽ chín và trở nên nửa trong suốt như sừng, màu hồng nhạt, mùi thơm, vị ngọt, hơi đắng.

3. Đại lực sâm: Là loại nhân sâm sau khi thu hoạch được trần qua nước sôi.

4. Đường sâm: Là loại nhân sâm được ngâm tẩm trong nước đường đặc. Đường sâm có màu trắng ngà, rễ chính hình trụ, mập và ngắn, phần đỉnh có thân rễ dài nhỏ, phía trên nó có các chỗ lõm hình xoáy trôn ốc đan xen vào nhau, tuổi đời càng lâu thì thân rễ càng dài. Bên cạnh thân rễ thường mọc ra 1 hoặc vài sợi rễ. Đầu trên rễ chính có vằn dày, phía dưới thường phân nhánh. Mặt cắt ngang có màu nâu trắng ngà, có vằn hình tia.

5. Cáp bì sâm: Là loại nhân sâm được ngâm qua nước sôi một lượt, sau đó ngâm trong nước đường loãng.

6. Nhân sâm tu: Là rễ, râu nhân sâm. Có hai loại là râu nhân sâm phơi sống và râu hồng sâm.

Dựa theo nguồn gốc, nhân sâm được chia thành sâm rừng và sâm trồng trong đó sâm rừng là loại sâm mọc hoang trong rừng và thường có số lượng ít nhưng chất lượng tốt hơn sâm trồng. Hình dáng của hai loại sâm này khá giống nhau, các bạn có thể dựa vào những đặc điểm dưới đây để phân biệt được hai loại sâm này:

- Đầu rễ của sâm trồng hơi ngắn, bát rễ tương đối ít. Đầu rễ sâm rừng nhỏ dài, bát rễ sâu và dày, đầu rễ cong hình giống cổ nhọn, có rễ tròn.

- Thân của sâm trồng dài, phần vai có các vằn ngang hơi thưa, nông, không liên tục. Thân sâm rừng giống như thân hoàng tinh, dài bằng hoặc ngắn, nhỏ hơn, đầu rễ vằn, chỗ vai nhỏ mà sâu, màu đen, phần nhiều có hình xoáy ốc liên tục.

- Vỏ sâm trồng ráp và xốp giòn, còn vỏ sâm rừng mịn và chắc.

- Thân sâm trồng tương đối nhiều, thường từ 3 nhánh trở lên, trên dưới to nhỏ không đều. Thân sâm rừng chỉ có 1-2 nhánh, rất ít gặp loại có 3 nhánh.


Phân biệt sâm thật, giả

Nhân sâm giả thường được làm từ đậu đũa dại, sâm đất, thương lục, và hoa sơn sâm, trong đó sâm đất và thương lục hay được dùng nhất. Cách nhận biết:

1. Loại giả từ sâm đất: có hình nón hoặc hình thoi, phân ra nhiều nhánh, dài khoảng 15-20 cm, đầu đỉnh là gốc sót lại của rễ. Khi chưa gia công, bề mặt có màu đen nâu, thô ráp, nhiều vằn. Sau khi đã gia công, bề mặt có vằn rúm màu vàng nâu, thô ráp, chất giòn, dễ bẻ gãy, có chất keo trong mờ, vị ngọt.

2. Loại giả từ thương lục: có hình trụ, đầu trên khá giáp, xuống dưới nhỏ dần, dài khoảng 20 cm, mặt ngoài có màu nâu vàng hoặc nâu đen, đỉnh rễ có gốc sót, chất dai dẻo, khó bẻ gãy. Mặt cắt có màu nâu vàng đến nâu đen, không phẳng, có mùi tanh, vị đắng và cay chua.

3. Loại giả từ đậu đũa dại: Thường thấy có hình trụ, hình thoi hay hình nón, ít nhánh, dài tới hơn 20cm, đường kính khoảng 0,5 – 1,5cm, bên ngoài có màu nâu đỏ, trong mờ, lông mềm trắng, nhỏ. Không có đầu rễ, để lại vết rễ phần đuôi tương đối nhỏ, chất cứng và giòn, nên dễ bẻ gãy. Mặt cắt phẳng không bóng, có nốt chấm nhỏ màu vàng nhạt và có mùi tanh của đậu.

4. Loại giả từ hoa sơn sâm: Nếu chưa gia công rễ có hình tròn dài, hơi cong hoặc thót dần xuống dưới, dài khoảng 9 – 14cm. Bên ngoài có màu nâu nhạt. Phần trên của rễ là thân rễ có rất nhiều nốt sần nổi lên. Sau khi gia công có 3 loại là màu vàng, màu nâu tro hơi trong hay màu nâu. Chất cứng, dễ gãy, vị ngọt, hơi đắng chát.

1 nhận xét: